Thận là hai cơ quan nằm sau lưng, hai bên cột sống, ngay trên thắt lưng. Thận đảm nhận một số các chức năng để duy trì sự sống. Thận lọc máu bằng cách loại bỏ chất thải và nước dư thừa, duy trì cân bằng muối và điện giải trong máu, đồng thời giúp điều hòa huyết áp. Thận yếu hay còn gọi là thận hư là tình trạng suy giảm chức năng của thận. Có rất nhiều các nguyên nhân và bệnh lý dẫn đến suy thận.
Về thời gian mắc bệnh, người ta thường chia thành hai nhóm bệnh đó là suy thận cấp (thuật ngữ chuyên môn gọi là tổn thương thận cấp) và suy thận mãn tính (thuật ngữ chuyên môn gọi là bệnh thận mạn).
Mục Lục
Suy thận có chữa được không?
Suy thận cấp diễn ra trong vòng vài ngày và có thể phục hồi hoàn toàn hoặc một phần chức năng thận sau khi được điều trị thích hợp trong một vài tuần.
Ngược lại, suy thận mạn là quá trình tiến triển không phục hồi chức năng thận. Các biện pháp điều trị trong suy thận mạn chỉ nhằm làm chậm diễn tiến của bệnh và ngăn ngừa biến chứng. Khi chức năng thận giảm đến 90%, người bệnh bị suy thận nặng và cần được điều trị thay thế thận bằng chạy thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc hoặc ghép thận.
Hầu hết các loại bệnh thận sẽ làm tổn thương các nephron (một đơn vị cấu trúc của thận). Sự tổn thương này có thể khiến thận không thể loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể. Nếu không chữa trị, thận cuối cùng có thể ngừng hoạt động hoàn toàn. Mất chức năng thận rất nghiêm trọng và có khả năng gây tử vong.
Những dấu hiệu gây bệnh
Nước tiểu có bọt do chức năng thận suy giảm
Biểu hiện tiêu biểu nhất của bệnh thận là nước tiểu có bọt do chức năng thận suy giảm. Khi đó, việc hấp thụ protein của thận không được ổn định, dẫn tới đạm niệu (có protein trong nước tiểu) và nảy sinh bọt ở nước tiểu.
Bởi vậy, để ngăn ngừa các bệnh liên quan tới thận, bạn cần quan sát nước tiểu để phát hiện ngay các bất thường.
Thường xuyên đi tiểu đêm
Thận chịu trách nhiệm trong việc lọc và bài tiết nước tiểu. Nếu thận có vấn đề không chỉ gây ra đạm niệu mà còn khiến tần suất đi tiểu gia tăng.
Khi bạn khỏe mạnh, hiện tượng thức dậy lúc nửa đêm tương đối hiếm, thường chỉ một lần. Tuy nhiên, nếu bạn tỉnh dậy nhiều lần mỗi đêm, có thể thận của bạn đang trục trặc.
Bị phù chân
Thận tham gia vào quá trình chuyển hóa nước trong cơ thể, tạo ra nước tiểu. Khi thận yếu, nước sẽ tích tụ trong người. Qua thời gian, hiện tượng phù sẽ xuất hiện, đặc biệt ở bàn chân và mí mắt.
Ăn không ngon miệng
Khi có bệnh thận, bạn sẽ mất cảm giác thèm ăn. Lúc này, bệnh nhân sẽ không muốn ăn và cảm giác ngon miệng suy giảm. Sau đó, toàn bộ cơ thể sẽ uể oải và xuống sức.
Ngay từ giai đoạn sớm của bệnh thận, cảm giác mệt mỏi tinh thần cũng khá rõ ràng. Khi bệnh tiến triển, người ốm có thể thêm các triệu chứng như buồn nôn, hơi thở có mùi hôi.
Bị đau khớp
Khi thận không hoạt động tốt, dễ dàng dẫn tới tình trạng tăng lượng axit uric máu. Nồng độ axit uric vượt quá độ bão hòa sẽ gây ra viêm khớp. Nếu kéo dài, việc này sẽ trở thành một vòng tròn tác hại, khiến chức năng của thận tiếp tục suy giảm.
Ngoài ra, người có bệnh thận dễ rơi vào tình trạng thiếu máu và nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
Khi có các biểu hiện như trên, bạn nên đi khám sức khỏe. Phát hiện sớm, chữa trị sớm sẽ có cơ hội khỏi bệnh nhanh.
Ngoài ra, bạn nên duy trì các thói quen tốt như không hút thuốc, không uống rượu, không nhịn tiểu, ăn vừa đủ và tập luyện mỗi ngày.
Discussion about this post