Mùa thu là thời điểm yêu thích của nhiều người bởi thời tiết mát mẻ, dễ chịu nhưng đây cũng là thời điểm cao điểm của nhiều bệnh do virus. Khi đó, thời tiết thay đổi sẽ khiến hệ miễn dịch của bạn bị suy yếu và tăng khả năng lây nhiễm bệnh.
Các bệnh do vi rút gây ra có thể dễ dàng lây lan và nguy hiểm cho người già, trẻ nhỏ và những người bị suy giảm hệ miễn dịch.
Mục Lục
Bệnh cảm
Bất cứ thời điểm nào trong năm, bạn cũng có thể bị cảm nhưng mùa thu là cao điểm. Bệnh có thể kéo dài từ vài ngày tới vài tuần. Triệu chứng bệnh là sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau đầu, ho, sụt sịt, đau họng.
Để phòng bệnh, bạn nên thường xuyên rửa tay, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Ngoài ra, bạn nên có chế độ ăn, ngủ điều độ, cố gắng không để căng thẳng quá.
Khi bị bệnh, bạn hạn chế ra chỗ đông người, che mũi, miệng khi ho, hắt xì hơi.
Bệnh Cúm
Virus cúm rất phổ biến vào mùa thu. Nếu không điều trị dứt điểm, bệnh có thể trở nặng và chuyển thành viêm phế quản hoặc viêm phổi. Triệu chứng bệnh là tiêu chảy, buồn nôn hoặc nôn, đau nhức toàn thân, mệt mỏi, ớn lạnh, đau đầu, sốt, ho không ngừng, tức ngực, đau họng.
Cách phòng chống và tránh lây nhiễm tương tự khi bị cảm.
Bị đau họng
Khi thời tiết chuyển lạnh, bạn dễ bị đau họng. Đây cũng là triệu chứng của dị ứng, cảm cúm. Bệnh nhân sẽ bị khàn giọng, nuốt khó, vướng ở cổ, chán ăn, ớn lạnh, mắt chảy nước, đau cơ bắp, nghẹt mũi.
Khi đó, bạn không nên ra chỗ đông người, không dùng chung đồ ăn, thức uống, vật dụng.
Nôn mửa
Norovirus là nguyên nhân phổ biến gây ra viêm dạ dày ruột. Người nhiễm virus có triệu chứng tiêu chảy, nôn mửa, đau dạ dày. Bệnh phổ biến từ mùa thu sang đông, có thể lây nhiễm từ người sang người, qua thực phẩm nhiễm độc.
Bạn nên giữ gìn vệ sinh cá nhân, không chuẩn bị thức ăn cho người khác khi bị ốm. Vì norovirus có thể sống ở nhiệt độ cao, bạn cần nấu chín thực phẩm, nhất là hải sản.
Bệnh viêm tai cấp
Căn bệnh này do viêm nhiễm hoặc virus ở tai giữa và dễ xuất hiện ở mùa thu hơn các mùa khác trong năm. Tình trạng này cũng có thể là hậu quả của các loại bệnh như dị ứng, cảm, cúm. Trẻ em dễ bị mắc bệnh hơn.
Triệu chứng tiêu biểu là đau tai, giảm thính lực, nôn mửa, đau đầu, tiêu chảy.
Bạn nên tránh xa các không gian có khói thuốc, không sử dụng bông ngoáy tai.
Bệnh viêm khớp
Viêm khớp diễn biến nặng hơn theo thời gian, là tình trạng kéo dài cả năm. Tuy nhiên, các bệnh nhân cho hay, thời tiết lạnh khiến các triệu chứng của họ nặng hơn.
Khi đó, họ sẽ mệt mỏi, khớp bị viêm, cứng, sưng. Để giảm bớt cơn đau, bệnh nhân nên kiểm soát cân nặng, có chế độ ăn uống lành mạnh gồm rau quả, cá, các loại hạt ngũ cốc. Ngoài ra, bạn cũng có thể lựa chọn các bài tập phù hợp với thể trạng để khớp linh hoạt.
Bệnh dị ứng
Giao mùa, thời tiết khô hanh xuất hiện nhiều dị nguyên trong môi trường như phấn hoa, bụi bông, lông súc vật, khói… là những tác nhân gây các chứng dị ứng như: viêm da dị ứng, mề đay, viêm kết mạc, hen phế quản… Để phòng bệnh, cần tránh tiếp xúc với những chất gây dị ứng. Giữ vệ sinh cơ thể (nhất là đường mũi họng) và môi trường sống sạch sẽ, tinh thần thoải mái để hạn chế mắc bệnh.
Bệnh đau mắt đỏ
Bệnh đau mắt đỏ hay còn gọi là bệnh viêm màng kết. Thời tiết giao mùa, môi trường nhiều khói bụi, vệ sinh kém, sử dụng nước ô nhiễm, dùng chung khăn mặt, gối… là điều kiện thuận lợi cho bệnh bùng phát.
Bệnh đau mắt đỏ thường có biểu hiện rõ nhất là mắt đỏ và có dử mắt. Dử mắt có thể màu xanh hoặc màu vàng tùy tác nhân gây bệnh. Mi mắt sưng nề, mọng, mắt đỏ (do cương tụ mạch máu), đau nhức, chảy nước mắt.
Để phòng bệnh, bạn cần chú ý vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, khi ra ngoài phải có biện pháp bảo vệ mắt và tránh tiếp xúc với người bị bệnh…
Đọc thêm những thông tin hay khác tại https://arbitaur.com/
Discussion about this post